Nhà sáng lập khác người
Là đồng sáng lập của LPP, nhà bán lẻ thời trang lớn nhất Ba Lan, Marek Piechocki thường tránh xa “ánh đèn sân khấu”, thậm chí tránh cả ống kính máy ảnh và vẫn thường đi làm bằng xe đạp, chứ không phải bằng một chiếc limousine sang trọng nào đó. Đó là ngay cả khi quỹ gia đình của ông sở hữu khối tài sản khoảng 1,1 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Giá cổ phiếu của LPP tăng hơn 2 lần kể từ tháng 11/2020 nhờ giới đầu tư đánh giá cao năng lực thương mại điện tử của công ty ngay cả khi đại dịch Covid-19 kéo giảm doanh số bán hàng tại các cửa hàng truyền thống.
Piechocki, 60 tuổi, không muốn được gọi là tỷ phú, theo một phát ngôn viên của LPP. Bởi ông cho rằng khối tài sản kia không còn là của ông nữa. Năm 2018, ông chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình tại LPP cho quỹ gia đình Semper Simul Foundation, theo đó bản thân ông, nhiều thành viên trong gia đình và những người khác đều được kể là người thụ hưởng số tài sản trên. Quỹ vì thế cũng bị cấm bán cổ phiếu của LPP.
Mô hình sở hữu này đảm bảo rằng công ty sẽ không bị bán sớm, Slawomir Loboda, Phó giám đốc điều hành của LPP, cho hay. Còn đối với nhân viên, đây rõ ràng là một tin tức tuyệt vời.
Piechocki xây dựng LPP vào năm 1991 cùng với Jerzy Lubianiec khi Ba Lan đang trong quá trình chyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Ban đầu, công ty chuyên nhập khẩu áo len của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, LPP có hơn 1.800 cửa hàng ở 25 quốc gia, theo báo cáo thường niên mới nhất của công ty. Thương hiệu của công ty, gồm Reserved, Mohito và Cropp, thường có giá thấp hơn các đối thủ phương tây.
![]() |
Marek Piechocki, đồng sáng lập hãng bán lẻ thời trang lớn nhất Ba Lan. Ảnh: Forbes. |
Piechocki không giống như một ông trùm trong ngành thời trang. Ông tránh tham gia tất cả show diễn thời trang, các sự kiện dành cho giới doanh nhân và người nổi tiếng. Tại trụ sở của LPP ở Gdansk, ông thậm chí không có văn phòng riêng mà chỉ thích ngồi ở giữa các nhóm thiết kế.
Tháng 11/2020, quỹ gia đình của Piechocki mua thêm cổ phần từ quỹ của Lubianiec. Quỹ Semper Simul Foundation cùng với Piechocki hiện sở hữu khoảng 29% cổ phần của LPP và nắm giữ khoảng 60% quyền biểu quyết. Quỹ gia đình của ông có 16 người được đăng ký là người thụ hưởng, trong đó có một số người không thuộc gia đình ông.
Thay đổi để vượt qua khó khăn
LPP từng gặp nhiều khó khăn trong những năm 2010 khi nhà thầu phụ của công ty ở Bangladesh gặp hỏa hoạn và một số bộ sưu tập không được đón nhận nồng nhiệt. Kết quả, công ty bị mất khách hàng. “Chúng tôi đã quá tham mở rộng mà không hề nhận ra bộ sưu tập thời trang của chúng tôi khủng khiếp cỡ nào”, ông Piechocki nói vào năm 2017.
Để giải quyết vấn đề, ông phải giảm cổ tức và sử dụng lợi nhuận có được để tăng lương cho các nhà thiết kế cũng như thuê thêm người. Ông cũng đầu tư vào các lĩnh vực như thương mại điện tử và trao cho nhân viên quyền tự chủ nhiều hơn.
Ông Loboda cho biết đây là những động thái mang ý nghĩa rất quan trọng đối với LPP trong đại dịch Covid-19.
“Trong bối cảnh các cửa hàng, nơi chiếm hơn 90% hàng may mặc của chúng tôi, bị đột ngột đóng cửa vì dịch Covid-19, chúng tôi cần phải nhanh chóng tái xây dựng hệ thống logistics để giúp cho việc bán hàng trực tuyến. Nếu không chịu đầu tư vào chất xám của nhân viên cũng như trao quyền cho họ thì điều đó sẽ không bao giờ thực hiện được”.
Kết quả, LPP ghi nhận doanh thu từ thương mại điện tử gấp hơn 2 lần trong năm tài chính kết thúc vào tháng 1. Tuy nhiên, công ty vẫn ghi nhận lỗ ròng trong cùng kỳ khoảng 190 triệu zloty (50 triệu USD).
LPP không phải là công ty duy nhất ở Ba Lan có giá cổ phiếu tăng mạnh trong đại dịch Covid-19, giúp những người sáng lập và cổ đông của họ trở nên giàu có. Tài sản ròng của Tomasz Biernacki lên cao kỷ lục trong tháng 1 khi nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng chủ lực đẩy doanh số bán hàng của chuỗi siêu thị mà ông sáng lập, Dino Polska, lên cao. Cũng trong tháng đó, Rafal Brzoska trở thành tỷ phú mới nhất của Ba Lan nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử.