Năm 2014, Peng Xin và chồng cô, Zhao Lin đã thế chấp nhà cho ngân hàng để có vốn kinh doanh tiệm trà sữa của họ. Đến nay, công ty mà họ thành lập, Nayuki Holdings Ltd. , được định giá hơn 4 tỷ USD sau khi cổ phiếu bắt đầu giao dịch hôm 30/6.
Với tỷ lệ cổ phần mà vợ chồng Peng Xin sở hữu, tài sản của họ ước tính mỗi người là 1,2 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi người ở Nayuki là 28%.
Khởi nghiệp
“Đó không phải là một quyết định liều lĩnh”, Peng Xin – giám đốc điều hành Nayuki cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi đã dành gần hai năm để thử nghiệm bán đồ uống của mình ở các khu phố trước khi mở cửa hàng đầu tiên”.
Khởi đầu với 3 chi nhánh ở thành phố Thâm Quyến, đến nay công ty đã có hơn 560 cửa hàng tại hơn 70 thành phố, chủ yếu ở Trung Quốc. Năm ngoái, doanh thu của Nayuki đạt khoảng 3,1 tỷ NDT (480 triệu USD) và lỗ ròng khoảng 203 triệu NDT. Một số nhà phân tích bày tỏ mối lo ngại về việc công ty vẫn đang thua lỗ này có thể xoay vòng vốn và sinh lời hay không.
![]() |
Một cửa hàng trà sữa Nayuki. Ảnh: Bloomberg |
Trà sữa bắt nguồn từ Đài Loan vào những năm 1980 và sau đó trở nên phổ biến ở châu Á. Mặc dù loại trà này có thành phần chủ yếu là trân châu làm từ bột nhưng ở phiên bản của Nayuki, đồ uống đã được biến tấu với nhiều món khác nhau như trái cây tươi hoặc lớp phủ pho mát kem.
Nayuki đã huy động được khoảng 656 triệu USD trong đợt IPO vừa qua. Công ty này chiếm khoảng 19% thị trường cà phê trà hiện đại cao cấp tính theo tổng lượng tiêu thụ bán lẻ vào năm 2020. Với tỷ lệ chiếm giữ thị trường như vậy, Nayuki hiện là công ty nắm giữ thị phần lớn thứ 2 ở Trung Quốc. Đứng đầu là HeyTea – hãng trà sữa được thành lập vào năm 2012.
Peng, 33 tuổi, gặp và kết hôn với Zhao ở Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của đất nước tỷ dân. Cô từng là phó tổng thư ký của một công ty phần mềm trước khi thành lập công ty riêng. Zhao, 42 tuổi, Chủ tịch của Nayuki, trước đây đã làm việc tại một số công ty thực phẩm trong đó có chi nhánh của Burger King tại Thâm Quyến.
“Gia đình và bạn bè đã rất lo lắng cho chúng tôi vào thời điểm đó”, Peng nhớ lại, nhắc đến hành động cầm cố căn nhà của mình như một tài sản thế chấp, “Nhưng chúng tôi và các cộng sự tin tưởng vào sự lựa chọn của mình”.
Bùng nổ cửa hàng trà sữa Nayuki và thay đổi để thích nghi
Hơn 90% cửa hàng của Nayuki ở Trung Quốc đại lục là ở đô thị loại 1 và loại 2. Bên cạnh đó, công ty cũng có một cửa hàng ở Hong Kong và một cửa hàng ở Nhật Bản.
Công ty đặt mục tiêu mở thêm 300 chi nhánh trong năm nay và 350 chi nhánh nữa vào năm 2022, Peng cho biết. Hầu hết số cửa hàng sẽ được vận hành theo một hình thức mới có tên là Nayuki PRO, bán cà phê và các loại bánh với quy mô nhỏ hơn để thu hút nhân viên văn phòng.
Nayuki đã tung ra một loại đồ uống mới mỗi tuần kể từ năm ngoái để thu hút khách hàng trẻ tuổi quay lại cửa hàng của mình, Peng cho biết.
Cô cho biết, công ty đạt được phần lớn mục tiêu doanh số khi bán hàng trực tuyến sau khi đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
“Sau đại dịch, 70% đơn đặt hàng của chúng tôi là từ các nền tảng trực tuyến”, cô nói: “Khách hàng thường đến cửa hàng của chúng tôi theo nhóm 3 hoặc 4 người để đi chơi và chia sẻ đồ ăn, nhưng giờ chúng tôi nhận thấy nhiều người trong số họ đặt đồ uống trực tuyến bất cứ khi nào họ cảm thấy thích”.
Theo Jason Yu, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Kantar Worldpanel Greater China, thị trường trà cà phê của Trung Quốc sẽ tiếp tục có “tiềm năng tăng trưởng tốt”, nhưng liệu Nayuki và các công ty khác trong ngành có đạt được lợi nhuận bền vững hay không là điều đáng lo ngại.
“Hiện đại hóa toàn bộ chuỗi cung ứng để nâng cao hiệu quả hơn vẫn là thách thức chính đối với Nayuki và doanh nghiệp tương tự”, Yu nói.
Kenny Ng, chiến lược gia chứng khoán tại Everbright Sun Hung Kai Co. ở Hong Kong cho biết, Nayuki có thể đạt được tăng trưởng bằng hoạt động mở rộng quy mô của mình, nhưng câu hỏi lớn hơn là liệu nó có thể duy trì điều đó trong dài hạn hay không.
“Tôi nghĩ Nayuki vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện lợi nhuận bằng cách mở rộng mạng lưới cửa hàng trong vòng 3-5 năm tới”, ông nói: “Nhưng những thách thức thực sự đối với tăng trưởng bền vững sẽ đến sau đó”.
Theo Peng, công ty đang nỗ lực để cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, ví dụ như tự động hóa các quy trình sử dụng nhiều lao động bao gồm cắt trái cây và nhào bột.
“Chúng tôi hy vọng Nayuki có thể là một thương hiệu mà khách hàng sẵn sàng quay lại mỗi ngày”, cô nói, “Chúng tôi muốn nó trở thành điều gì đó mà chúng tôi có thể làm cho cả cuộc đời mình”.