
Anh em không tin à? Hãy nhìn những thước phim quãng năm 85, 86 để tận hưởng “thời kỳ vàng son” của rally, nơi những cỗ xe hoàn toàn không được kiểm soát bằng luật lệ, ai nhanh nhất thì thắng cuộc:
Nói rally là thể thức liều lĩnh và nguy hiểm nhất, hoàn toàn không ngoa. Nó khó và nguy hiểm tới cái mức, phải có một người đồng đội ngồi cạnh đọc bản đồ để tay đua xử lý, vì mỗi chặng đua là những thử thách, những khúc cua chưa từng có, với quãng đường thi đấu kéo dài từ 5 lên tới 60km cho mỗi chặng.
Nếu chỉ xét đến thế giới game, thì tiêu chuẩn vàng của rally là Dirt Rally 2.0 của Codemasters. Nó kết hợp được đồ họa ấn tượng, mô tả sự hoang vu của từng chặng đua, nơi máy móc và thiên nhiên hòa làm một, cùng mô hình mô phỏng lái ở tầm đẳng cấp thế giới. Không phải tự nhiên mà ngay cả những tay đua rally chuyên nghiệp lúc phải nghỉ ngơi ở nhà vì đại dịch, họ mua rig với vô lăng, bàn đạp, tay phanh để rèn giũa kỹ năng với Dirt Rally 2.0, ví dụ như cô Louise Cook trong clip dưới đây, người đang thi đấu cho đội đua Rally Team GB:
Chóng mặt không anh em? Đó chính là cảm giác của một tay đua rally ngoài đời thật đấy, chỉ có khác một điều, game không bao giờ “mô phỏng” được tác động tuyến tính và ly tâm mà chiếc xe ngoài đời tác động lên cơ thể tay đua, và quan trọng nhất, là nó không bao giờ gây nguy hiểm cho tay đua, như cái lúc Ott Tanak phi xuống vực với chiếc Toyota Yaris quãng năm 2020 ở Monte Carlo (may mà giờ tiêu chuẩn an toàn đã hợp thời nên cả Tanak lẫn người đồng đội đều không hề hấn gì mấy). Khuyết điểm duy nhất của Dirt Rally 2.0 là bản quyền. Một hãng khác có bản quyền giải đua WRC của FIA, nên Codemasters không được đặt tên giải đấu, cũng không được đặt tên thể thức xe đúng với đời thật. Những những cỗ máy tốc độ thì vẫn được mua bản quyền đầy đủ.
Và trên hết, cảm giác chỉ trật một nhịp là xuống vực hoặc thua cuộc được mô tả một cách hoàn hảo.
Nhưng bài viết này không dành cho Dirt Rally, mà dành cho một tựa game tưởng chừng đơn giản hơn nhiều, nhưng thử thách và thư giãn thì không hề thua kém. Đấy là art of rally, của hãng game
Funselektor Labs Inc. phát triển và phát hành trên Steam, GOG và Epic Games Store. Như tiêu đề bài viết, dường như tựa game với giá 150 nghìn Đồng này là lời tri ân đến thời kỳ vàng son của giải đua rally vô địch thế giới.

Những cỗ xe chi tiết chẳng khác gì những cái hộp đồ chơi trẻ con, đã không nhiều đa giác lại còn chẳng bóng bẩy, tên thì giả tưởng nhưng những fan cuồng rally hễ nhìn vào là nhận ra ngay những huyền thoại của đường đua lịch sử. Anh em sẽ bắt đầu với hai chiếc xe đến từ nước Anh, Ford Escort và Austin Mini Cooper S. Dần dần, anh em sẽ mở khóa được những huyền thoại của làng rally thế giới: Alpine A110, Subaru Imprezza, Mitsubishi Lancer, Lancia Delta s4, Audi Quattro, Renault 5 Turbo, Lancia Stratos, Porsche 959, hay thậm chí cả Ferrari 288 GTO… Những cái tên giả tưởng để né bản quyền thật ra nghe rất ngầu: the cozzie (tiếng lóng ám chỉ động cơ Cosworth bên trong chiếc Escort RS), das hammer, il gorilla, la montaine…


art of rally giống như một đôi đũa lệch. Đồ họa của game đơn giản tới mức tối giản. Nó dễ thương hệt như Ragnarok ngày xưa hay Animal Cross ngày nay. Nhưng ở khía cạnh gameplay, đừng để game đánh lừa anh em, vìđây là một trong những trò đua xe với cơ chế lái phức tạp nhất mình từng trải nghiệm. Cách xe vào cua, lết bánh, mất lái, cách cả phanh chân lẫn phanh tay hoạt động chắc chắn sẽ khiến anh em bị choáng những giây phút đầu tiên trải nghiệm trò chơi này. Xe chuyển động cầu trước, cầu sau hay dẫn động cả 4 bánh, trên đường tuyết, đường cát, đất, sỏi đá hay nhựa đường đều rất khác nhau, đòi hỏi anh em chơi game này phải nắm rất rõ cách xe vận hành, để điều chỉnh oversteer (drift hoặc mất lái) hay understeer (vòng cua rộng hơn dự tính) một cách hoàn hảo.

Và, tất cả những kinh nghiệm ấy sẽ được thể hiện ở thời gian hoàn thành một chặng đua, và con số ấy sẽ được đem so sánh với những người chơi khác trên toàn thế giới (cùng chặng đua, cùng loại xe), xem kỹ năng của bản thân đang ở ngưỡng nào. Đấy là một cách ganh đua tuyệt vời, bên cạnh việc thi đấu với AI để giành chiến thắng ở những chặng đua của từng thời kỳ, với những cỗ xe từ 1967 đến tận giữa thập niên 1990. Nếu thấy game khó, anh em hoàn toàn có thể chỉnh trợ lái, để game tự điều chỉnh vô lăng lúc vào cua. Game thư giãn ở chỗ đó, anh em không cần phải là một tay đua dày dặn kinh nghiệm để có thể vào một khúc cua số 5 (số từ 1 đến 6 ám chỉ độ gấp khúc của khúc cua, 1 là hẹp nhất, 6 là thẳng nhất) như những huyền thoại trong quá khứ như Colin McRae, Carlos Sainz hay Walter Rorhl.






Tiếng xe trong game này, phải nói thẳng, là phê, rất phê. Từ tiếng khối động cơ vòng tua cao kết hợp với turbo rú rít, cho đến tiếng phanh rít, nói game này đôi đũa lệch có lẽ cũng chẳng sai. Nhưng đối với mình, “ăn tiền” nhất phải là bộ soundtrack dài hơn 4 tiếng đồng hồ do anh bạn Slava Koristov người Ukraine sáng tác, đậm phong cách synthwave với những nhạc cụ điện tử thống trị những năm 80. Riêng bộ soundtrack này cũng xứng đáng tặng thêm cho trò này 3 điểm rồi, mời anh em nghe một bản trong album ấy. Cả album 51 bài cơ, đã tai lắm:
Đua xe đường phố giờ có Forza Horizon, đua xe chuyên nghiệp theo kiểu mô phỏng mà dễ tiếp cận giờ có Assetto Corza hay Project CARS 2, Công thức 1 có series F1 sang tháng sẽ có phiên bản mới, còn rally, bên cạnh DIRT Rally và WRC 10, giờ lại có thêm một tác phẩm thực sự xuất sắc. Nó không phục vụ cho những người đòi hỏi sự chính xác và tiểu tiết đến tuyệt đối, mà trái lại, tạo ra một môi trường thế giới ảo đầy thư giãn, cùng lúc lãng mạn hóa cái thể thức đua xe được coi là nguy hiểm nhất hành tinh.